Khi dự án đường Hoàng Quốc Việt (Hà Nội) kéo dài mới rục rịch triển khai, nhiều nhà đầu tư bất động sản đã nhanh nhạy bỏ vốn lớn đầu tư vào nhà đất ven đường với mộng tưởng “hốt bạc” sau khi tuyến đường hoàn thành. Giờ dự án dang dở, họ đành “ôm hận” khi nhà đất bán rẻ cũng chẳng người mua.
Đi trước đón đầu
Dự án đường Hoàng Quốc Việt kéo dài có chiều dài khoảng 10km, điểm đầu nối với đường Hoàng Quốc Việt hiện tại, qua quận Cầu Giấy, huyện Từ Liêm và nối với trục đường chính của huyện Đan Phượng. Dự án được quy hoạch trước năm 2008, khi tỉnh Hà Tây còn chưa sáp nhập về Hà Nội, và do những thông tin về tuyến đường hiện đại chạy dọc lên hướng Tây - hướng phát triển chính của Hà Nội, nên ngay từ khi có thông tin quy hoạch, hàng loạt dự án bất động sản đã rậm rịch đón đầu, vây kín quy hoạch dự án đường. Có thể kể đến các dự án đô thị mới: Thành phố Giao lưu, Khu đô thị mới Tân Lập, Minh Khai - Phú Diễn, Tân Tây Nam Tân Lập, Tân Tây Đô, khu nhà vườn sinh thái The Phonenix, Khu nhà ở Tân Lập…
|
Dự án khu nhà ở xã Tân Lập đã hoàn thành phần thô nhưng không có người mua |
Với hy vọng “đi tắt đón đầu”, đường xong là nhà đất hoàn thành, nên nhiều khu đô thị ven tuyến đường này nhanh chóng được chủ đầu tư hoàn thành phần thô như Tân Tây Đô, The Phonenix, Khu nhà ở xã Tân Lập... Như dự án Khu nhà ở xã Tân Lập, do Công ty CP địa ốc Cienco 5 làm chủ đầu tư, những thửa đất nền diện tích 75m2 trong dự án đã được chủ đầu tư bán hết và phần lớn đã xây xong phần thô từ năm 2008... Thời điểm đó, giao dịch bất động sản tại những dự án ven đường Hoàng Quốc Việt kéo dài luôn gây sốt xình xịch, giá đất thổ cư dân sinh tại khu vực này cũng tăng vù vù, đất nền có giá từ 20-25 triệu đồng/m2.
Thực tại hắt hiu
Hiện đoạn đường Hoàng Quốc Việt kéo dài gần 3km qua huyện Đan Phượng được khởi công từ năm 2009 đến nay vẫn lùng nhùng trong khâu giải phóng mặt bằng, trong khi quan trọng hơn là đoạn đầu tuyến qua quận Cầu Giấy và huyện Từ Liêm có thể không được triển khai tiếp, khiến cho dự án đường Hoàng Quốc Việt có nguy cơ không thành hiện thực. Ông Nguyễn Tuấn Hồng - Phó chủ tịch xã Tân Lập cho biết, đoạn cuối tuyến là qua địa bàn xã Tân Lập, Tân Hội (huyện Đan Phượng), được khởi công từ tháng 3/2009, do Cienco 5 Land làm chủ đầu tư. Nhưng từ đó đến nay vẫn chưa giải quyết xong vấn đề mặt bằng, kể cả trên phần đi qua đất nông nghiệp, nên cũng mới chỉ có vài trăm mét và khu đô thị của chủ đầu tư được làm. Cách đây vài hôm, khi đơn vị thi công làm đường, vài hộ dân đã ra ngăn cản với lý do huyện chưa có quyết định thu hồi đất.
Còn tại đoạn qua quận Cầu Giấy và huyện Từ Liêm, dự án làm đường này trở nên mông lung hơn vì liên tục đổi chủ và chủ đầu tư là các doanh nghiệp (đầu tư theo hình thức BT) cũng đã im hơi lặng tiếng từ năm 2009 đến nay. Ông Nguyễn Trọng Lượng - Giám đốc Ban Quản lý các dự án huyện Từ Liêm cho biết, từ năm 2004 -2007, Ban Quản lý được giao lập hồ sơ ban đầu và đã làm xong phần chỉ giới đường đỏ, đang lập công tác báo cáo khả thi đoạn 4,2km qua huyện Từ Liêm thì tháng 4/2009, có văn bản của Thành phố giao cho Tổng Công ty xây dựng Hà Nội và Công ty CP đầu tư phát triển nhà Trường Linh làm chủ đầu tư theo hình thức BT. Sau đó, chỉ thấy Công ty Trường Linh đề nghị giao cho bản hồ sơ photo rồi không thấy liên lạc gì nữa.
Do dự án làm đường không thấy đâu, giao dịch bất động sản ven đường Hoàng Quốc Việt kéo dài cứ thế trầm lắng và rớt giá dần. Nhìn vào đoạn đường dang dở, chủ đầu tư các dự án và những nhà đầu tư cá nhân đã “đón đầu” dự án đường Hoàng Quốc Việt kéo dài chỉ biết thở dài, lo lắng. Chị Nguyễn Thu Hà, người đã mua tại Dự án Khu nhà ở xã Tân Lập than thở: “Trước kia vay mượn tiền cùng chung vốn với bạn bè mua lại 2 lô 75m2 với giá 25 triệu đồng/m2, năm trước chủ đầu tư yêu cầu nộp hơn 1,4 tỷ tiền xây thô, không có tiền rao bán 20 triệu đồng/m2 mà chẳng ai hỏi”. Còn hàng loạt căn hộ tại dự án Tân Tây Đô liên tiếp được xuống giá từ 16 -17 triệu còn hơn 13 triệu đồng/m2, mà cũng ế chỏng chơ.
"Giờ cũng không rõ số phận Dự án đường Hoàng Quốc Việt kéo dài thế nào. Dự án đường “án binh bất động” thế này, bất động sản “ăn theo” ven tuyến đường “chết chìm” là lẽ đương nhiên”. - Ông Nguyễn Trọng Lượng - Giám đốc Ban Quản lý dự án huyện Từ Liêm
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét