Phân khúc căn hộ một năm qua dường như đứng im về giao dịch, nhưng thị trường luôn được hâm nóng bởi tranh chấp, khiếu kiện leo thang. Chuyện đối đầu lan rộng ngay cả với căn hộ đã bàn giao hay còn nằm trên giấy.
Đối đầu khi nhà còn trên giấy
Suốt một năm qua, thị trường bất động sản dường như chết đứng, các dự án đắp chiếu ngừng thi công cả vài năm. Từ đây, người mua nhà đã trở thành nạn nhân của các dự án rùa bò này. Khi sức chịu đựng lên đến đỉnh điểm thì bộc phát những đợt biểu tình phản đối, khiếu kiện chủ đầu tư. Làn sóng này kéo dài dai dẳng suốt một năm qua, còn nhà đầu tư tỏ ra cam chịu, thậm chí là bất lực trong chuyện triển khai dự án.
Vào tháng 6/2013, vụ thắng kiện của bà Nguyễn Thị Bích Ngọc đối với công ty Quốc cường Gia Lai đã tạo hiệu ứng mạnh cho khách hàng của các dự án trên địa bàn TP.HCM. Từ thời điểm đó, hiện tượng tranh chấp giữa khách hàng và chủ đầu tư về sự chậm trễ tiến độ ngày một gay gắt. Hết giăng băng rôn, biểu ngữ cho tới bao vây chủ đầu tư để đòi quyền lợi.
Trong tình cảnh bế tắc, chủ đầu tư Dự án Căn hộ Good House Apartments (quận 8), bà Nguyễn Thị Ngọc Dung, giải thích hiện công ty gặp rất nhiều khó khăn về tài chính và dự án còn khoảng 80 căn chưa bán được. Đầu tư tổng cộng 128 tỷ đồng, đến nay công ty còn nợ nhà thầu thi công và đối tác 34 tỷ đồng. Để thi công và hoàn thiện căn hộ, phải cần thêm 20 tỷ đồng nữa, nhưng công ty hết vốn nên chưa biết lúc nào mới có thể hoàn thiện dự án.
|
Vụ thắng kiện của bà Nguyễn Thị Bích Ngọc đối với công ty Quốc cường Gia Lai đã tạo hiệu ứng mạnh cho khách hàng của các dự án trên địa bàn TP.HCM. |
|
Đó chỉ là một trong số hàng chục dự án tại TP.HCM đang bất lực trước khách hàng đòi bàn giao nhà. Tại hầu hết các dự án bất động sản, chủ đầu tư thường chỉ có khoảng 30% vốn, đủ để lo liệu làm thủ tục như giải phóng mặt bằng, khởi công dự án. Số còn lại vẫn phải dựa vào vốn vay ngân hàng và vốn góp từ khách hàng. Tuy vậy, ở thời điểm này, rất nhiều chủ đầu tư đã lộ rõ những bất cập trong việc minh bạch tài chính. Khách hàng đóng đủ tiền, đúng hạn nhưng dự án vẫn "đắp chiếu".
Trong khi hàng nghìn người có chung câu hỏi: tiền của tôi đang ở đâu khi mà chủ dự án đã thu tới 30-40%, thậm chí là 90% nhưng dự án vẫn còn nằm trên giấy?
Một phương án giải quyết được đưa ra: người mua sẽ không giao tiền cho chủ đầu tư mà nộp vào một tài khoản riêng. Từ đó, khách hàng chỉ chuyển tiền thanh toán cho những hạng mục mà chủ đầu tư đã thực hiện. Hay phải minh bạch về nhà thầu, giá vật liệu xây dựng, khách hàng mới quyết định giải ngân.
Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng: "Nguyên nhân chính khiến thị trường bất động sản xung đột là do người mua vội vàng, thiếu cân nhắc kỹ càng trước khi ký hợp đồng; hệ thống pháp luật còn nhiều kẽ hở, thiếu quy định bảo vệ quyền lợi khách hàng. Có thể chủ đầu tư cũng không muốn dùng dằng kiện tụng với khách hàng nhưng trong tình cảnh hiện tại họ cũng trở nên "chây ì" vì không thể làm gì hơn".
Theo luật sư Phan Vũ Anh - từng phụ trách pháp lý cho Tổng công ty Vinaconex, hợp đồng mua bán nhà là hợp đồng dân sự giữa chủ đầu tư và khách hàng nên khi xảy ra tranh chấp, cơ quan quản lý Nhà nước không có vai trò can thiệp, không thể bảo vệ khách hàng.
Nhận nhà vẫn còn rắc rối
Thời gian qua, trên thị trường bất động sản đã xảy ra rất nhiều vụ việc khiếu kiện giữa các cư dân sinh sống tại các tòa nhà chung cư, khách hàng mua căn hộ chung cư, với các chủ đầu tư liên quan tới vấn đề về cách tính diện tích căn hộ.
Theo người dân tại một chung cư ở Hà Nội, hiện có gần 300 căn hộ đang bị tính sai diện tích, mỗi căn hộ bị vênh từ 3-5m2 so với thực tế. Cùng với đó, mức thu phí ở đây cũng khiến người dân thắc mắc. Trung bình mỗi hộ muốn sửa căn hộ phải đóng 500.000 đồng cho việc làm trần thạch cao và lát sàn gỗ. Với những hộ sửa nhiều hơn thì đóng 2 triệu đồng phí vệ sinh và thang máy.
Đó cũng chỉ là một trong rất nhiều dự án bị khách hàng tố về việc chênh lệch diện tích trong hợp đồng và ngoài thực thế. Phản ánh của nhiều khách hàng, ngọn nguồn của các tranh chấp chính là do cách tính diện tích căn hộ chung cư theo quy định của Bộ Xây dựng mà cụ thể là Thông tư 16/2010 không thống nhất với Luật Nhà ở và Nghị định 71.
Thế nhưng, khi trả lời người dân, ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS, Bộ Xây dựng cho biết, nội dung hướng dẫn về cách tính diện tích sàn trong hợp đồng mua, bán căn hộ nhà chung cư nêu tại Thông tư số 16 không trái với quy định của Luật Nhà ở và Nghị định 71.
Việc xác định diện tích căn hộ theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng chỉ để xác định số tiền mua căn hộ theo thỏa thuận giữa bên bán và bên mua một cách dễ dàng và chính xác. Thông tư của Bộ Xây dựng cũng không quy định bắt buộc bên bán và bên mua căn hộ nhà chung cư phải tính diện tích sàn căn hộ theo kích thước tim tường mà đã hướng dẫn 2 cách tính để các bên thỏa thuận.
Như vậy theogiải thích của ông Hà, việc tính diện tích sàn căn hộ theo một trong hai phương pháp tại Thông tư 16 đều không gây thiệt hại về quyền lợi cho người dân, cũng như không mang thêm lợi nhuận cho bên bán. Tuy nhiên các văn bản hướng dẫn quá vắn tắt khiến người mua nhà cũng như doanh nghiệp dễ rơi vào tranh châp vì sai lệch trong hợp đồng.
Ngoài việc diện tích căn hộ thì vấn đề nhập nhằng thu lố thuế căn hộ cũng bị người dân phát giác. Theo quy định, khi bán căn hộ, chủ đầu tư chỉ được thu hộ thuế GTGT 10% trên giá trị xây dựng, trừ phần đất. Tuy nhiên, thực tế phần lớn chủ đầu tư của nhiều dự án tại TP.HCM đều thu 10% trên tổng giá trị hợp đồng, tức tính luôn cả phần đất. Lãnh đạo một công ty bất động sản thừa nhận, lâu nay 99% chủ đầu tư dự án đều tính thuế GTGT 10% trên tổng giá trị hợp đồng, chứ không hề trừ phần đất ra.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét