Hơn 1.000 người dân ở chung cư 584 Phú Thọ Hòa (quận Tân Phú, TP.HCM) bức xúc khi nhiều thang máy ở đây đồng loạt ngưng hoạt động một cách bất thường. Chiều 23-12, giữa đại diện hơn 360 căn hộ và chủ đầu tư, Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Khai thác Công trình Giao thông 584 đã có cuộc tranh luận gay gắt nhưng kết quả đạt được cũng không đáng kể.
Leo bộ 17 tầng lầu
Chung cư 584 cao 17 tầng, được chia làm bốn block với trên 360 căn hộ. Mỗi block có hai thang máy phục vụ cho việc đi lại của cả ngàn người. Tuy nhiên, gần đây bà Nga ở căn hộ A3.1 cho biết nhiều thang máy hư một cách bất thường, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt hằng ngày của người dân. Cá biệt, thang máy lô A đã ngưng hoạt động suốt hai tháng qua.
Các thang máy còn hoạt động thường xuyên gặp cảnh “kẹt thang” nặng. “Mỗi lần đi thang máy, tôi phải chờ 10 phút. Sáng 10 phút, chiều 10 phút, cả nhà tôi mất đứt 80 phút cho việc chờ thang máy” - bà Nga phản ánh.
|
Nhà hàng tiệc cưới này được “hô biến” từ nhà sinh hoạt cộng đồng, lại gây khói bụi và ồn ào cho cư dân. Ảnh: MP |
Tại buổi trao đổi, nhiều cư dân “tố” việc chủ đầu tư cố ý không vận hành thang máy có thể gây ra hệ lụy lớn. “Mỗi ngày, hàng trăm người phải cuốc bộ lên xuống mười mấy tầng lầu làm trễ giờ học, muộn giờ làm. Nếu chẳng may có trường hợp cấp cứu sẽ không kịp xoay sở, có thể gây hậu quả nghiêm trọng” - ông Nguyễn Mạnh C. ở căn hộ A2.2 phản ứng gay gắt.
Gây khó để ép đóng phí?
Trước phản ứng của người dân, UBND phường Phú Thọ Hòa đã đến ghi nhận thực tế và đề nghị ban quản lý (BQL) chung cư (thuộc Công ty 584) sớm khắc phục nhưng đến nay tình trạng vẫn không thay đổi.
Chủ đầu tư đưa ra giải pháp bằng việc đề nghị các hộ dân… đóng phí bảo trì. Ông Trần Nam Kha, Phó Tổng Giám đốc Công ty 584, thuyết phục người dân rằng đơn vị đang gặp khó khăn, nguồn thu từ phí quản lý chung cư (trên 130 triệu đồng/tháng) không đủ trang trải. Mặc khác, trước đây khi bán căn hộ, Công ty 584 chưa tính phí bảo trì (2% tổng giá trị căn hộ - NV) nên bây giờ đề nghị người dân nộp. “Chung cư đã hết hạn bảo hành, chúng tôi phải thu phí bảo trì mới có tiền sửa chữa” - ông Kha giải thích.
Trước đó một bảo vệ của chung cư đã để lộ thông tin BQL yêu cầu “cắt” bớt một thang máy nhằm tạo áp lực, buộc người dân nhanh chóng đóng khoản phí trên.
Không có chức năng nhưng vẫn đòi thu
Về nghĩa vụ đóng phí 2% mà ông Kha cố nhắc đi nhắc lại, cư dân viện dẫn Quyết định 08/2008, Thông tư 37/2009 của Bộ Xây dựng và khẳng định: Nhóm việc quản lý và vận hành nhà chung cư bao gồm đảm bảo thang máy (cùng với máy bơm nước, máy phát điện dự phòng, các dịch vụ bảo vệ, vệ sinh…) được duy trì hoạt động. Do vậy, khoản phí dịch vụ quản lý họ đóng hằng tháng phải được phân bổ cho các đầu việc này chứ không phải dùng từ phí bảo trì.
Một giảng viên ĐH Luật TP.HCM cư ngụ tại chung cư cho biết: “Theo quy định, phí bảo trì sẽ do ban quản trị chung cư do cư dân bầu ra, quản lý và sử dụng vào việc bảo trì phần sở hữu chung của chung cư. Đó là chưa kể trong nhiều trường hợp, nghĩa vụ nộp phí phải do chủ đầu tư thực hiện”.
Luật sư Nguyễn Hoàng Linh, Đoàn Luật sư Tiền Giang, khẳng định: “Chung cư duy trì BQL thuộc chủ đầu tư trong thời gian dài mà không tạo điều kiện để cư dân bầu ra ban quản trị là trái các quy định pháp luật. Hơn nữa, hầu hết các căn hộ này đều bán sau 1-7-2006 (thời điểm Luật Nhà ở có hiệu lực), các chủ hộ đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đóng 2% phí bảo trì, được tính trong giá nhà trước đó”. Như vậy, việc BQL viện dẫn khó khăn để yêu cầu người dân đóng phí là không thỏa đáng.
Đuối lý, ông Kha cam kết sẽ “sửa thang máy ngay ngày hôm sau”. Thế nhưng qua tìm hiểu của PV, đến hôm nay thang máy tại lô A vẫn chưa được “đụng” đến. Được biết, tại chung cư này còn tồn tại một loạt mâu thuẫn khác giữa chủ đầu tư với cư dân, mặc dù chính quyền đã can thiệp nhưng BQL vẫn chưa khắc phục.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét