Tiểu thuyết Thang máy Sài Gòn
(Nhã Nam & NXB Hội Nhà văn, 2013) là tác phẩm mới nhất của Thuận
xuất bản tại Việt Nam (sau phiên bản tiếng Pháp). Bản tiếng Pháp tác
phẩm này được Trung tâm sách quốc gia Pháp trao giải Sáng tạo năm 2013.
1.
Đây là tiểu thuyết mà theo nhà văn Thuận : “Lần đầu tiên tôi viết một
tác phẩm có vẻ lằng nhằng, rối rắm, với khá nhiều nhân vật và nhiều chi
tiết ảo tưởng. Tôi hoang mang lắm”.
Lấy
cảm hứng từ một tai nạn thang máy ở Sài Gòn, tác phẩm bắt đầu bằng cảnh
cô con gái đi tìm người tình xưa của mẹ, nhưng nếu bạn chờ đợi ở đó một
thiên tình sử đẫm lệ thì bạn sẽ thất vọng, mà nếu bạn chờ đợi ở đó một
tiểu thuyết trinh thám ly kỳ thì bạn cũng sẽ thất vọng nốt. Thang máy Sài Gòn đề nghị bạn một cách đọc năng động hơn một chút.
Bạn
sẽ thấy những điều tác giả kể chỉ là những giả thiết, mà chính tác giả
cũng chẳng biết gì hơn độc giả, luôn ở trong trạng thái hoang mang với
câu hỏi: sao người tình xưa của mẹ tìm mãi không ra? Trong sự thật về mẹ
thì ngày càng hiển hiện, dù không biết sự thật đó đúng bao nhiêu phần
trăm.
Bìa Thang máy Sài Gòn
2. Người đặt tên cho tiểu thuyết này là Janine Gillon, đồng dịch giả với Thuận trong bản Pháp văn L'Ascenseur de Saigon
do NXB Riveneuve ấn hành. Thuận kể: “Tôi cứ dịch khoảng chục trang lại
gửi cho bà, bà chỉnh sửa rồi gửi lại cho tôi, tôi đọc lại nếu thấy không
ổn thì trao đổi rồi lại chỉnh sửa, trao đổi. Ròng rã hơn sáu tháng
trời. Không biết bao nhiêu công sức. Có những lần đi nghỉ bà cũng mang
máy vi tính theo để làm việc. Cuối cùng bà bảo: Tháng 10 này phải dịch
cho xong, không thì tao bỏ đấy”.
Tôi
còn nhớ, mươi ngày sau khi bản dịch hoàn tất, bà đột ngột viết email
cho tôi trong đêm muộn. Hóa ra bà đề nghị mấy tên tác phẩm bằng tiếng
Pháp. Cái tựa L’Ascenseur de Saigon là do bà nghĩ ra. Tôi ưng ý đến độ đổi tựa tiếng Việt thành Thang máy Sài Gòn”.
Cũng
xin nói thêm, Janine Gillon (1932-2012) chính là học trò tiếng Việt của
Thuận từ 18 năm trước. Sau 9 tháng nhập môn, bà sang Việt Nam lưu trú
để nâng cấp, sau đó là đồng dịch giả và là người hiệu đính nhiều tác
phẩm như: Xuân Tóc Đỏ (Le Fabuleux Destin De Xuan le rouquin) của Vũ Trọng Phụng, Mảnh đất lắm người nhiều ma (Des Fantômes Et Des Hommes) của Nguyễn Khắc Trường, Une Vie De Chien của Bùi Ngọc Tấn, L’Ile Aux Femmes của Hồ Anh Thái…
“Tiểu
thuyết của Thuận có thể xem là một thách đố đối với những ai đã quen
với những mô hình truyền thống của thể loại, và bản thân tác giả cũng
quan niệm viết như một hành động quấy rầy độc giả hơn là thỏa mãn tầm
đón nhận của công chúng. Tiểu thuyết của Thuận mang đặc điểm của một
loại tiểu thuyết hiện đại “sẵn sàng đảm nhận những đòi hỏi cao nhất của
thơ” (chữ dùng của Milan Kundera)” - theo thạc sĩ ngữ văn Nguyễn Xuân Lệ
Hằng.
VĂN BẢY - Thể thao & Văn hóa
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét