Bên cạnh những băn khoăn về tính pháp lý, độ an toàn của dòng tiền góp vốn cho dự án, hay thời gian sở hữu chung cư (được nêu trong Dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi), người mua nhà phải cân nhắc những yếu tố tạo nên chất lượng cuộc sống tốt nhất.
Nếu chọn căn hộ ở tầng thấp (từ tầng 1 đến tầng 5), chủ sở hữu có khả năng phải hứng chịu tiếng ồn, khí thải đô thị trừ khi… đóng cửa sổ cả ngày. Nếu chọn quá cao, việc ra vào nơi sinh sống sẽ bất tiện do không phải chung cư nào cũng có hệ thống thang máy, điện dự phòng tốt nhất.
Tầng cao... giá cao
Mặc dù thị trường BĐS căn hộ chung cư đã phát triển rất mạnh trong vài năm qua, nhưng vẫn chưa có tiêu chuẩn quy định từ tầng bao nhiêu thì được coi là cao. Xét riêng ở địa bàn Hà Nội, độ cao chung cư cũng rất đa dạng. Những chung cư xen lẫn trung tâm thương mại ở khu vực trung tâm (quận Hoàn Kiếm, Ba Đình), cơ bản có độ cao dao động 15-20 tầng.
Mở rộng ra quận Thanh Xuân, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Long Biên, Hoàng Mai, huyện Từ Liêm chung cư xuất hiện nhiều hơn với dạng chung cư cao cấp (như KeangNam Landmark, cao ngót 80 tầng, GoldenWestlake, Royal City…), xen lẫn loại trung cấp như The Manor, SkyCity, TimesCity, Sakura, Hapulico, Tây Hà Tower, Bắc Hà, Geleximco và chung cư mini do nhiều tư nhân hộ gia đình tự xây để bán, cho thuê, có độ cao công trình phổ biến từ 9 tầng tới 30 tầng.
Kể từ khi xuất hiện trên thị trường, các sản phẩm nhà chung cư thương mại, nhà ở giá rẻ hay cao cấp đều có quy tắc "bất thành văn": căn hộ ở tầng càng cao, giá sẽ càng cao so với những căn thấp trong một tòa nhà (giá dịch vụ vẫn ngang nhau). Đồng thời, theo kinh nghiệm sinh sống lâu năm trong các tòa chung cư của nhiều người, từ tầng 12 trở lên được coi là cao, từ tầng 7-11 là trung bình, tầng 3 - 6 là thấp (các tổ hợp chung cư xen lẫn văn phòng, trung tâm thương mại có tầng hầm để xe, tầng 1-3 dành cho dịch vụ).
Những chung cư cao tầng có tiện ích hạ tầng kỹ thuật tốt nhất sẽ là lựa chọn tối ưu của người mua nhà
Sở dĩ có xu hướng lựa chọn tầng cao, nhà chung cư còn ở các ưu điểm: độ ồn thấp (ngủ ngon, yên tĩnh); ít bị ảnh hưởng bởi mùi, khói xe, khí thải đô thị (tầng càng cao thì càng ít bụi – giảm nguy cơ mắc bệnh đường hô hấp); những chung cư gần sông bẩn, bãi rác tập trung, càng lên cao càng trong lành; tầm view ở tầng cao xa hơn và đẹp hơn; không có nỗi lo ngại cho sức khỏe của trẻ nhỏ, người cao tuổi vì ít ruồi muỗi; sóng điện thoại tốt hơn tầng thấp; thời gian bắt thang máy xuống tầng 1 cũng không lâu hơn tầng thấp (nếu thời điểm bấm thang máy là lúc thang đang ở tầng 1 và tầng trên cũng bấm, thang máy sẽ phải chạy lên tầng cao nhất rồi mới xuống…). Đây là các yếu tố thuyết phục người mua lựa chọn căn hộ chung cư tầng cao.
Chọn tầng trung bình an toàn
Các căn hộ ở độ cao trung bình đến thấp (từ tầng 3-11) lọt vào tầm ngắm của những khách hàng muốn đảm bảo tối đa sự an toàn cho bản thân và gia đình trước yếu tố hỏa hoạn. Được biết, đa phần những cư dân sinh sống ở các tầng này tại nhiều chung cư dân sinh đều đưa ra lý do: hệ thống PCCC hiện mới chỉ hoạt động tối đa ở tầng 14 (độ vươn cao của thang chữa cháy), nên trường hợp hỏa hoạn xảy ra ở các tầng 14 trở lên sẽ khó lòng xử lý an toàn.
Những tranh chấp bất đồng giữa các cư dân của tòa nhà chung cư (đặc biệt ở các chung cư cao cấp như KeangNam) liên quan tới các tiện ích như thang máy, PCCC, cửa thoát hiểm hay hệ thống cấp điện dự phòng… đã hướng lựa chọn của nhiều người tới các căn hộ ở tầng thấp. Những vụ mất điện bất thình lình khiến thang máy treo lơ lửng ở tầng cao (như từng xảy ra như cơm bữa ở tòa chung cư hỗn hợp M3-M4 Nguyễn Chí Thanh) là minh chứng cho điều này.
Theo đó, ngoại trừ trường hợp đang ở trong thang máy, nếu chủ hộ ở tầng từ 3-7, việc đi thang bộ để ra khỏi tòa nhà là hoàn toàn khả thi.
Bên cạnh đó, tầng thấp cũng là sự lựa chọn cho những hộ gia đình cho nhu cầu kinh doanh. Từ tầng 3 đến tầng 6 được rất nhiều người mua săn tìm để tiện cho việc bán các mặt hàng thủ công (đan, thêu, bán hàng quần áo qua mạng Internet…). Ngoài khả năng tận dụng độ cao để gặp gỡ, trao đổi với khách hàng kinh doanh, những hộ ở tầng thấp sẽ hưởng lợi thế về vấn đề tiện dụng, sinh hoạt cộng đồng. Tầng dưới đi lại thuận tiện, kết hợp thể dục đi bộ vài tầng cũng là điều đáng lưu tâm trong không gian đô thị ngày càng bị bó hẹp.
Theo một thống kê mới đây của các nước phát triển, trẻ em ở các căn hộ từ tầng 5 trở xuống thông minh, nhanh nhẹn, có phản xạ tốt hơn về thế giới xung quanh, giao tiếp do thường xuyên được sử dụng các không gian sinh hoạt cộng đồng ở sân chơi phía dưới. Từ tầng 10 trở lên, phản xạ nhanh nhạy với sự vật hiện tượng kém hơn.
Thêm nữa, trong trường hợp người trong gia đình gặp vấn đề khẩn cấp về sức khỏe, việc tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe (đơn giản là đưa người bệnh ra xe cấp cứu) sẽ tối ưu với các hộ ở tầng thấp.
Song Hà (Thời báo kinh doanh)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét