Với tổng giá trị bị điều chỉnh 1.220 tỷ đồng, toàn bộ số lỗ mà Công ty TNHH một thành viên Keangnam - Vina, 100% vốn Hàn Quốc khai báo phát sinh 2007-2011 đã hiển nhiên giảm hết. Đại gia này bị truy thu thuế thu nhập doanh nghiệp lên tới 95,2 tỷ đồng.
Dàn xếp giá nội bộ, nâng khống đầu vào
Chủ sở hữu tòa nhà Keangnam Hanoi Landmark trong 5 năm qua luôn than lỗ. Tính tới năm 2011, khi tòa nhà bắt đầu vận hành, với doanh thu đạt trên 5.200 tỷ đồng, công ty này vẫn báo lỗ 140 tỷ đồng.
Đại gia Keangnam Vina đã bị đưa vào tầm ngắm của cơ quan thuế ngay từ cuối năm 2012. Từ đây, những mánh lới chuyển giá đã lần lượt được phơi bày.
Tháng 10/2007, sau 3 tháng được cấp phép, Keangnam Vina đã ký hợp đồng chìa khóa trao tay với công ty Keangnam Enterprise - một thành viên cùng công ty mẹ để làm tổng thầu EPC. Tổng giá trị hợp đồng lên tới 871 triệu USD.
Dự án hoành tráng cũng là nơi diễn ra vụ chuyển giá ngàn tỷ.
Keangnam Enterprise không chỉ đảm nhiệm việc khảo sát, thiết kế dự án, cung cấp thiết bị máy móc, thi công xây dựng mà còn cung cấp cả dịch vụ tư vấn tài chính, dàn xếp vốn vay cho Keangnam Vina.
Năm 2008, riêng khoản phí tư vấn tài chính này đã được chủ đầu tư Keangnam Vina chi trả cho người anh em ruột lên tới 30 triệu USD, tương đương hơn 485 tỷ đồng. Phí dịch vụ sắp xếp nguồn vay lên tới 20 triệu USD, chi phí tư vấn quảng cáo, tư vấn cấp quyền sử dụng đất, cấp giấy phép đầu tư cũng lên tới vài triệu USD.
Trên sổ sách, trong khi chủ đầu tư Keangnam Vina thua lỗ liên tục, không nộp thuế thu nhập doanh nghiệp thì tổng thầu EPC Keangnam Enterpise ở Hàn Quốc tha hồ hưởng lãi. Trong đó, Keangnam Enterpise chỉ phải nộp thuế nhà thầu cho Việt Nam, thấp hơn nhiều so với việc nộp thuế thu nhập doanh nghiệp với thuế suất 25 -28%.
Bằng những dàn xếp về giá vốn xây dựng, một khoản lợi nhuận kếch sù đã được Keangnam Vina chuyển về Hàn Quốc.
Sau thanh tra, cơ quan thuế xác minh loại trừ tất cả những khoản chi phí đầu vào bất hợp lý. Tổng giá trị hợp đồng EPC từ mức 871 triệu USD thực chất giảm chỉ còn 699 triệu USD.
Đặc biệt, những con số lãi lỗ của Keangnam Vina đã được làm sáng tỏ. Trong 2 lĩnh vực kinh doanh thì lĩnh vực bán căn hộ cao cấp đã lãi lớn. Đoàn thanh tra xác định, chi phí giá vốn xây dựng cho khu căn hộ này chỉ chiếm 33% trong tổng gói giá trị hợp đồng EPC trên. Doanh thu bán căn hộ khoảng 3.500 tỷ đồng. Keangnam Vina bị buộc phải nộp truy thu thuế thu nhập doanh nghiệp cho mảng kinh doanh bán căn hộ với tổng thuế là 95,2 tỷ đồng.
Tuy nhiên, mảng kinh doanh thứ hai là dịch vụ khách sạn, cho thuê văn phòng của đại gia này vẫn lỗ nhưng con số lỗ thực tế thấp hơn nhiều. Tổng hợp lại, kết quả kinh doanh hợp nhất của Keangnam Vina tính đến năm 2011 vẫn lỗ.
Đặc biệt, khi kế hoạch thanh tra giá chuyển nhượng tại Keangnam Vina được duyệt, đại gia xứ Hàn này đã có nhưng bước đi để đối phó. Mức lãi suất của khoản vay 400 triệu USD mà Keangnam-Vina vay từ ngân hàng Kookmin Bank (Hàn Quốc), cũng là một người anh em trong cùng tập đoàn ban đầu được kê khai tới 12%/năm, gấp đôi cả mức lãi suất vay USD của các ngân hàng Việt Nam thời điểm đó, khiến tổng mức chi trả cho lãi vay lên tới 2.030 tỷ đồng. Nhưng ngay trước thời điểm đoàn thanh tra thuế đến làm việc, khoản vay này đã được chủ đầu tư tự hạ khai hạ thấp lãi suất xuống còn 5-7%. Vì động thái 'sửa sai" này nên Keangnam Vina không bị phạt chuyển giá ở hành vi này.
Tai tiếng trục lợi quá nhiều ở Việt Nam
Tòa nhà Keangam Hanoi Landmark Tower nổi tiếng đình đám trong giới bất động sản ngay từ khi còn nằm trên giấy. Dự án này được quảng cáo là tòa nhà hiện đại cao nhất Việt Nam và đứng thứ 5 trên thế giới xét về tổng diện tích của một công trình kiến trúc đơn lẻ.
Dự án ban đầu chỉ thiết kế hơn 40 tầng nhưng sau đó, đã nhanh chóng được điều chỉnh nâng lên thành 72 tầng.
Năm 2008, giá căn hộ tại đây được rao ở mức cao kỷ lục, tới tận 3.000 USD/m2, tức khoảng 60-80 triệu đồng/m2 tính theo tỷ giá USD bấy giờ. Mỗi căn hộ tại đây được bán với giá 5-6 tỷ đồng, có căn tới 7-8 tỷ đồng.
Một chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản nhìn nhận, Keangnam Vina vào Việt Nam đã hưởng không biết bao nhiêu điều lợi, được cấp phép nhanh, lại bán căn hộ giá đắt đúng đỉnh cao của cơn sốt nhà đất. Chưa kể, Tập đoàn mẹ của đại gia này còn là nhà thầu chính ở các dự án Cảng hàng không Nội Bài, đường cao tốc Lào Cai- Nội Bài nên đã được ngân sách ứng tiền cả nghìn tỷ đồng nhưng tiến độ cũng ì ạch, mãi năm 2011 mới khởi công.
Keangnam Landmark cũng là tòa nhà bị cư dân "bêu riếu", kiện tụng nhiều nhất khi phí chung cư quá đắt đỏ.
Năm 2012, chủ đầu tư này còn dọa cắt điện, cắt thang máy của cư dân, rồi tuyên bố sẽ trả lại tòa nhà cho TP Hà Nội vì... lỗ, phí chung cư không đủ trang trải phí vận hành tòa nhà. Lúc mới vào Việt Nam, chủ đầu tư đưa ra những tuyên bố tốt đẹp như sẽ hoàn thành đúng tiến độ công trình nhằm chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội. Thậm chí, đại gia xứ Hàn còn hoành tráng thách cược sẽ trả 100 tỷ đồng tiền phạt nếu làm chậm tiến độ.
Những DN FDI như Keangnam Vina đang khiến ngân sách Việt Nambị thất thoát lớn. Đây cũng là lần đầu tiên một thương hiệu tập đoàn lớn bị phanh phui xác thực bộ mặt thật giả lỗ, chuyển giá của những ông lớn nước ngoài để kiếm đậm trên đất Việt Nam.
Theo Phạm Huyền-VEF
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét