Cách đây không lâu, hàng trăm người có nhu cầu về nhà ở, dù đủ tiêu chuẩn mua NƠXH phải xếp hàng đăng ký, bốc thăm để được quyền mua căn hộ Dự án NƠXH Kiến Hưng (Hà Đông) do CTCP Bê tông và Xây dựng Vinaconex Xuân Mai làm chủ đầu tư. Vậy nhưng, khi Dự án hoàn thành, hàng trăm khách hàng lại không chịu nhận nhà. Đã có ít nhất 5 trường hợp khách hàng chấp nhận chịu phạt để trả lại căn hộ NƠXH Kiến Hưng cho chủ đầu tư.
Việc khách hàng trả lại NƠXH không chỉ xảy ra với Vinaconex Xuân Mai. Mới đây, một lãnh đạo của CTCP Xây dựng số 3 Hà Nội (HANCO3) cũng thừa nhận, đã có 4 khách hàng mua NƠXH tại Khu đô thị Sài Đồng do HANCO3 làm chủ đầu tư xin trả lại nhà và đã được Công ty chấp thuận.
Trong khi các dự án NƠXH đã hoàn thiện hoặc đang hoàn thiện đối diện với tình trạng bị khách hàng trả lại nhà, thì nguy cơ ế hàng của những dự án NƠXH sắp triển khai càng cao hơn. Điều kiện mua nhà khắt khe, vị trí dự án ở xa trung tâm và giá bán không phải quá cạnh tranh so với dự án nhà ở thương mại giá rẻ đang là những yếu tố khiến NƠXH mất dần sức hút.
Hàng trăm khách hàng không chịu nhận căn hộ Dự án NƠXH Kiến Hưng |
Chính vì khó khăn trong việc bán hàng, nhiều doanh nghiệp đầu tư NƠXH mới đây đã nghĩ ra nhiều “chiêu trò” hút khách. Thậm chí, có doanh nghiệp bất động sản còn tìm cách “trói chân” khách hàng bằng những điều kiện chưa từng có tiền lệ trong mua bán NƠXH.
Cụ thể, tại Dự án NƠXH Tây Nam Linh Đàm của CTCP BIC Việt Nam, mặc dù chưa khởi công, nhưng chủ đầu tư đã ra thông báo cho phép người có nhu cầu được đăng ký quyền mua nhà. Việc cho phép khách hàng đăng ký quyền mua nhà, theo lý giải của đại diện chủ đầu tư, chỉ mang tính hình thức, vì khách hàng có được mua hay không còn tùy thuộc vào quá trình xét duyệt hồ sơ sau này. Tuy nhiên, với tuyên bố của chủ đầu tư việc xét mua NƠXH sau này sẽ dựa trên thứ tự danh sách đăng ký, khiến những người có nhu cầu đua nhau đăng ký mua nhà của BIC.
Theo tìm hiểu của ĐTCK, hiện số lượng khách hàng đăng ký mua căn hộ NƠXH Tây Nam Linh Đàm đã lên đến con số hàng nghìn, lớn hơn nhiều so với số căn hộ Dự án sẽ cung cấp cho thị trường. Với chủ đầu tư này, đây là một đảm bảo đầu tiên cho sự thành công của việc bán hàng sau này.
Trong khi đó, tại Dự án NƠXH 143 Trần Phú (quận Hà Đông) của CTCP Đầu tư xây dựng và Phát triển đô thị Sông Đà (SDU) lại có cách giữ chân khách hàng bằng thu tiền đặt cọc giữ chỗ mua nhà. Được biết, trước đó, SDU cũng đã tiến hành mở bán căn hộ dự án NƠXH này, nhưng kết quả mở bán đã không được như kỳ vọng. Bởi rất nhiều người có nhu cầu về nhà ở đã quay lưng với dự án này, do giá bán còn cao hơn cả một số dự án nhà thương mại đang mở bán trên địa bàn Hà Nội. Theo lý giải của một đại diện chủ đầu tư, việc thu tiền đặt cọc của khách là để giữ chân khách hàng chắc chắn mua nhà tại Dự án. Số tiền đặt cọc của khách hàng tối đa 70 triệu đồng, sẽ được chuyển thành tiền đóng đợt 1 khi các bên tiến hành làm hợp đồng mua bán.
Liên quan đến việc chủ đầu tư cho phép khách hàng đặt cọc mua NƠXH, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam mới đây cho biết, sắp tới, Bộ Xây dựng sẽ ban hành quy định cho phép doanh nghiệp xây dựng NƠXH được nhận tiền cọc của khách hàng dưới hình thức thỏa thuận dân sự. Việc này cho phép doanh nghiệp chủ động xác định được chính xác đối tượng khách hàng sẽ mua nhà, thay vì bị động khi để khách hàng đăng ký mua nhà nhưng sau đó rút lại hồ sơ.
Việc doanh nghiệp phải tung đủ chiêu để thu hút khách mua nhà đang cho thấy chủ đầu tư các dự án NƠXH hiện rất bí về đầu ra, dù nhu cầu đối với phân khúc này được xác định vẫn rất lớn. Cuộc cạnh tranh bán hàng của các dự án NƠXH dự báo còn khó khăn hơn trong thời gian tới, bởi số dự án NƠXH được chuyển đổi sẽ triển khai sẽ rất lớn. Trong khi đó, NƠXH lại phải cạnh tranh với phân khúc nhà thương mại đang ngày càng rẻ hơn.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét