Tôi đã gọi thầu xây dựng nhà mới, tuy nhiên không biết trước khi gặp họ cần phải chuẩn bị những gì để việc bàn thảo, thỏa thuận được suôn sẻ, đồng thời tránh rắc rối phát sinh sau này? (Nhật Cường)
Sự chuẩn bị chu đáo trước khi gặp nhà thầu xây dựng sẽ giúp bạn tránh được những rủi ro và phát sinh có thể xảy ra về sau. Ảnh: Không Gian Hoàn Hảo.
Trả lời:
Khi gặp nhà thầu xây dựng nghĩa là bạn đã bắt đầu chuẩn bị cho việc hợp tác với họ để cùng xây dựng ngôi nhà mơ ước của mình. Tất cả những gì bạn cần chuẩn bị trước khi gặp nhà thầu xây dựng phải giống như một bản kế hoạch hoàn chỉnh với đầy đủ từ pháp lý, kế hoạch xây dựng cho đến kế hoạch tài chính trên cơ sở tư vấn chuyên nghiệp của các đơn vị thiết kế. Sự chuẩn bị chu đáo sẽ giúp bạn tránh được những rủi ro có thể xảy ra như mất kiểm soát tài chính khi phát sinh ngoài dự kiến, chất lượng công trình không đảm bảo, hoặc tranh cãi giữa gia chủ và nhà thầu dẫn đến chậm trễ tiến độ thi công.
Về mặt pháp lý: Bạn phải có giấy phép xây dựng do cơ quan có thẩm quyền cấp căn cứ theo Luật Xây dựng, dựa trên yêu cầu thiết kế thông qua tư vấn của kiến trúc sư hoặc đơn vị thiết kế.
Về điểm này, bạn cần đặc biệt lưu ý, nên bàn bạc thống nhất phương án thiết kế với sự tư vấn chuyên nghiệp của kiến trúc sư hoặc đơn vị thiết kế để vừa có giải pháp ưng ý lại vừa phù hợp với luật xây dựng rồi mới tiến hành xin phép xây dựng. Tránh tình trạng xin phép xây dựng trước sau đó thay đổi cấu trúc hoặc quy mô xây dựng trong quá trình thi công, dẫn đến rủi ro khi thanh tra xây dựng kiểm tra sẽ đình chỉ công trình, ảnh hưởng đến tiến độ thi công và còn bị phạt do sai phạm chiếu theo giấy phép xây dựng đã xin.
Về kế hoạch xây dựng: Kế hoạch xây dựng thực chất chính là bản vẽ chi tiết thi công xây dựng. Phần này bao gồm: kiến trúc, trang trí nội thất, chi tiết vật dụng đối chiếu với bản thiết kế phối cảnh 3D, kết cấu, hệ thống điện, hệ thống nước, thiết bị viễn thông.
Bạn cần lưu ý: Khi đã có thiết kế phối cảnh nội thất 3D, hãy yêu cầu đơn vị thiết kế hoặc kiến trúc sư ký cam kết xác nhận rằng nếu bạn không thay đổi ý định thì phải thi công trên thực tế giống như bản vẽ. Việc ký kết này sẽ giúp bạn tránh được tình trạng ngôi nhà trong bản vẽ và ngôi nhà thực tế bàn giao không giống nhau.
Về mặt tài chính: Bạn cần yêu cầu đơn vị thiết kế làm bảng dự toán chi tiết liệt kê để biết chính xác sẽ mất chi phí và lượng vật tư tiêu hao là bao nhiêu. Đồng thời dùng bản dự toán này làm cơ sở để so sánh giá khi làm việc với các nhà thầu xây dựng.
Khi gặp nhà thầu, bạn nên tránh trường hợp báo giá bằng đơn vị mét vuông (m2) theo cách làm dân gian, mà nên yêu cầu bốc khối lượng để biết đơn giá vật tư và nhân công tiện cho việc so sánh giá. Mặt khác, nếu bạn muốn điều chỉnh trong quá trình thi công xây dựng thì nên nêu ra cơ sở về đơn giá khối lượng và đơn giá nhân công để căn cứ tính mức chi phí phát sinh, giảm thiểu việc nhà thầu báo giá phát sinh vô tội vạ.
Mến chúc bạn sớm hoàn thành công việc và có được ngôi nhà như ý.
Kiến trức sư Phạm Ngọc Thiên Ân
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét