Nội dung mới nhất trong dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi (lần bốn) vừa được Bộ Xây dựng đưa ra lấy ý kiến đó là phương án thời hạn sở hữu chung cư 70 năm. Song, nhiều ý kiến không những không đồng tình mà còn cho rằng đã vi phạm các điều luật…
Trong dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi (lần bốn, tháng 9-2013), Bộ Xây dựng đưa ra hai phương án về thời hạn sở hữu nhà chung cư. Phương án 1: Không quy định thời hạn sở hữu; phương án 2: Quy định thời hạn sở hữu.
Trong phương án 2, đối với trường hợp nhà nước giao đất, cho thuê đất để xây dựng nhà chung cư để bán, cho thuê mua thì thời hạn sở hữu nhà chung cư là 70 năm. Đối với trường hợp được Nhà nước cho thuê đất thì thời hạn sở hữu nhà chung cư bằng thời hạn sử dụng đất thuê. Đối với trường hợp nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất hoặc có quyền sử dụng đất hợp pháp mà xây dựng nhà chung cư thì sở hữu nhà chung cư là không có thời hạn.
Thời hạn sở hữu nhà chung cư được ghi vào Giấy chứng nhận và khi hết thời hạn sở hữu thì các chủ sở hữu nhà ở chung cư không còn quyền sở hữu nhà chung cư đó và phải bàn giao lại quyền sử dụng đất xây dựng nhà chung cư cho Nhà nước để phá dỡ và xây dựng lại các công trình khác theo quy hoạch được duyệt tại thời điểm bàn giao lại quyền sử dụng đất cho Nhà nước.
Theo dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi, hết thời hạn sở hữu
chung cư 70 năm thì sẽ giao lại cho Nhà nước phá dỡ. Ảnh: Nguyễn Lê |
Trước phương án sở hữu chung cư có thời hạn 70 năm nêu trên, trao đổi với PV Infonet, ông Nguyễn Viết Hải, Tổng giám đốc CTCP Đầu tư VIC thì phương án thời hạn sở hữu chung cư này hơi vô lý và bất cập.
Ông Hải cho rằng, vấn đề quan trọng tuổi thọ công trình chung cư là bao nhiêu? Liệu chung cư đó có tồn tại được 70 năm hay không? Rồi nó còn liên quan đến vấn đề thừa kế sau này nữa.
Theo ông Hải, cái chính là phải áp dụng công nghệ khoa học để giảm thiểu giá thành chung cư, giảm thiểu thời gian thủ tục hành chính… để có những chung cư chất lượng, giá thành hợp lý với người dân.
“Nếu giá của chung cư có thời hạn chỉ bằng một nửa giá của chung cư sử dụng vĩnh viễn thì tôi mới lựa chọn. Còn nếu giá nhà chung cư sử dụng vĩnh viễn giá chỉ đắt hơn chung cư có thời hạn khoảng 50-70 triệu đồng thì tôi sẽ không mua, bởi lẽ chung cư được sử dụng vĩnh viễn thì giá căn hộ tôi sở hữu theo giá trị từng thời điểm, nghĩa là càng để càng có giá trị. Nhưng đối với chung cư sở hữu có thời hạn thì càng để giá trị căn hộ càng giảm đi vì thời gian sở hữu càng ngày càng ngắn lại”, ông Hải phân tích.
TS. Phạm Sĩ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cũng không đồng tình với phương án sở hữu chung cư có thời hạn 70 năm vì theo ông việc “bày vẽ” ra quy định này chẳng giải quyết được vấn đề gì.
“Chung cư là tài sản mà người dân phải tích lũy cả đời mới mua được, sau này tôi còn để di chúc cho con cái. Mặt khác, Hiến pháp đã có quy định phải bảo vệ quyền tài sản của người dân, vậy thì lý do gì mà đưa ra quy định chỉ được sở hữu 70 năm, như vậy là vi phạm luật Hiến pháp”, ông Liêm nói.
Cũng không đồng tình với phương án sở hữu chung cư có thời hạn 70 năm, luật sư Mạnh Bùng (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, việc đưa ra phương án này là không đúng.
“Nếu phương án này được thực thi thì xâm phạm trực tiếp đến quyền sở hữu và lợi ích hợp pháp của người dân theo luật Dân sự. Đã là quyền sở hữu là bất khả xâm phạm, không được tách rời quyền sở hữu hay khống chế thời gian sở hữu”, LS. Bùng nhấn mạnh.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét