Nhốt, đánh đến nhập viện, xua chó ra cắn, “khủng bố” thang máy... đó chính là cách nhiều chủ đầu tư thời kỳ thị trường bất động sản “chìm đáy” dành cho các "thượng đế"
Nhiều chuyên ra cho rằng, việc ứng xử một cách côn đồ với khách hàng cũng thể hiện cho sự khó khăn đến cùng cực và bế tắc không lối thoát của các “ông lớn” bất động sản trong thời điểm hiện tại.
Nhiều khách hàng rơi vào thế bí khi chủ đầu tư giở thói côn đồ.
Đánh, xịt hơi cay, xua chó ra cắn... cư dân
Mới đây, dư luận cả nước rúng động về thông tin một nhóm cư dân mua nhà chung cư Đại Thanh tập hợp trước sàn giao dịch Mường Thanh (đường vành đai 3, quận Hoàng Mai, Hà Nội) yêu cầu chủ đầu tư đối thoại, bị nhóm người lạ mặt được cho là bảo vệ của dự án, đánh cho chảy máu loang lổ. Sự kiện này nhanh chóng được dư luận quan tâm bởi cách hành xử “siêu côn đồ”, chưa từng xảy ra ở Việt Nam.
Được biết, khi đó, hàng trăm dân cư của dự án chung cư giá rẻ Đại Thanh tập trung trước sàn giao dịch Mường Thanh “tố” chủ đầu tư - doanh nghiệp tư nhân số 1 Lai Châu, do ông Lê Thanh Thản làm Giám đốc - giao nhà thiếu diện tích, chưa đủ điều kiện bàn giao và đề nghị được đối thoại với chủ đầu tư. Tuy nhiên, trước lời đề nghị này, phía chủ đầu tư khu đô thị Đại Thanh không có bất cứ động thái nào trả lời các thắc mắc của cư dân và khách hàng.
Theo quan sát của PV báo ĐS&PL, mặc dù, sàn Mường Thanh vẫn mở cửa nhưng không có cư dân nào được vào trong để gặp chủ đầu tư. Cứ mỗi khi có ai đó đem máy ảnh, điện thoại ra chụp liền bị nhóm bảo vệ này xông tới giật máy và tháo bỏ thẻ nhớ. Họ làm mọi cách để ngăn cản việc người dân quay phim chụp ảnh.
Chưa dừng lại ở đó, để “dằn mặt” những người muốn “đối thoại” với chủ đầu tư, nhóm này còn còn xua chó ra cắn, xịt hơi cay, xịt sơn vào phía cư dân. Khi mà sự việc trở lên hỗn loạn, có nữ khách hàng của Đại Thanh bị đánh đến loang lổ máu trên mặt. Phải nhờ có những cư dân khác, người đàn bà này mới được đưa vào bệnh viện Bạch Mai cấp cứu kịp thời.
Trao đổi với PV, chị Nguyễn Thị H. (Cầu Giấy, Hà Nội) kể lại: “Chúng tôi đến đây muốn gặp chủ đầu tư, đề nghị chủ đầu tư đo lại diện tích vì nó không khớp với hợp đồng. Hầu hết, các nhà đều bị thiếu từ 3- 6m2. Nhưng không gặp được chủ đầu tư, buổi sáng tôi thì bị đánh rách trán, buổi chiều lại bị nhóm người lạ mặt dùng ghế đánh rách đầu chảy rất nhiều máu". Được biết, sau đó một tuần, bộ Xây dựng đã có công văn gửi UBND TP. Hà Nội yêu cầu báo cáo việc thực hiện dự án và tranh chấp giữa khách hàng với chủ đầu tư dự án chung cư Đại Thanh. Tuy nhiên, đến nay, công an vẫn “chưa thể” tìm ra người gây ra cái sự việc xảy ra giữa “thanh thiên bạch nhật” này.
Trước đó, trên cả nước cũng xảy ra nhiều trường hợp cư dân chung cư đi “kiện” nhà đầu tư gặp phải tình cảnh dở khóc, dở cười. Sáng 1/8, gần 30 người mua căn hộ Mỹ Phú (quận 7, TP.HCM) kéo đến cao ốc Petroland Tower yêu cầu doanh nghiệp giải trình tiến độ dự án nhưng đã bị khóa cứng tại sảnh thang máy tầng 7 của tòa nhà. Được biết, những cư dân của dự án này đến đây yêu cầu nhà đầu tư bàn giao căn hộ mà đã chậm tiến độ hơn 1 năm trời. Tuy nhiên, khi họ vào bên trong cao ốc này thì thang máy bị khóa. Lãnh đạo doanh nghiệp bận họp nên khách phải chờ ở sảnh thang máy đến tận trưa. Sau đó, những “khách hàng vàng” của dự án này phải gọi điện “cầu cứu” công an. Khi lực lượng công an có mặt, bỗng nhiên thang máy lại hoạt động trở lại.
Có lẽ, nhắc đến việc hành xử kiểu côn đồ với cư dân, người ta sẽ nghĩ ngay đến chủ đầu tư ở toà nhà cao, hiện đại, đẹp nhất Việt Nam. Do mâu thuẫn về việc đóng phí dịch vụ, chủ đầu tư Keangnam đã nghĩ ra “độc chiêu” cắt thang máy của 370 hộ.
Chưa dừng lại ở đó, Keangnam tiếp tục “dằn mặt” cư dân bằng cách cắt điều hòa trong thang máy, không bật hệ thống thông gió ở hành lang, tháo bớt đèn chiếu sáng ở các sảnh, cắt giảm nhân viên bảo vệ, lễ tân trước làm đến 18h30, giờ chỉ làm hành chính... trong khi Keangnam đã thu tiền đến hết tháng 7/2011 với giá 0,99 USD/m2 tại thời điểm đó.
Có lẽ đây là một vụ kiện dai dẳng nhất trong lịch sử ngành bất động sản. Để đáp trả lại cách hành xử côn đồ của chủ đầu tư, cư dân toà nhà cao nhất Việt Nam đã đun bếp than tổ ong trước cửa toà nhà để phản đối. Sự kiện này đã tốn không ít giấy mực của báo chí.
Há miệng mắc quai
Liên quan đến vấn đề trên, trao đổi với PV, Nguyễn Đình Tùng - Giám đốc công ty TNHH Bất động sản và dịch vụ địa chính Hà Nội (Hanoi Land) cho rằng: “Hiện nay, khó khăn là bối cảnh chung của các doanh nghiệp bất động sản nên có rất nhiều cách ứng xử khác nhau của các chủ đầu tư.
Thế nên, các bên cố gắng tìm được tiếng nói chung trên phương án thống nhất bàn bạc để đi đến thoả thuận là tốt nhất. Không nên để xảy ra tình trạng xô xát, đánh đập lẫn nhau. Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, không nên để những vụ việc “giải quyết thiếu bình tĩnh” như thế làm ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp bất động sản và niềm tin của khách hàng”.
Ông Tùng nhấn mạnh: Tình hình cụ thể phụ thuộc rất nhiều vào cả chủ đầu tư và khách hàng. Nếu ban đầu các hợp đồng chính chuẩn rõ ràng và sau này chủ đầu tư làm đúng như thế thì khách hàng không thể trách họ được, vì giấy trắng mực đen đã ký rồi. Khách hàng khi mua được quyền lựa chọn nên nếu có gì không hiểu có thể hỏi các công ty tư vấn luật tư vấn, giúp đỡ để mình mua được căn hộ tốt và giá cả hợp lý với điều kiện pháp lý được đảm bảo. Có những chủ đầu tư làm ăn nghiêm chỉnh, họ thể hiện rõ ràng trong hợp đồng và thực hiện nó. Tuy nhiên, có những chủ đầu tư không như vậy. Nhưng do hợp đồng khách hàng đã ký rồi nên lúc đó mới rơi vào tình thế “há miệng mắc quai”.
Trao đổi với PV báo ĐS&PL, một lãnh đạo công ty Phát triển đô thị Từ Liêm (Hà Nội) cho rằng: “Việc các khách hàng đến gặp chủ đầu tư đòi đối thoại là việc làm hết sức cần thiết khi những mâu thuẫn chưa được giải quyết. Tuy nhiên, người dân không nên tụ tập quá đông người theo kiểu biểu tình để gây sức ép lên chủ đầu tư. Việc người dân cho rằng nhóm bảo vệ của chung cư Đại Thanh đánh dân đến chảy máu có đúng hay không còn chờ kết luận của cơ quan điều tra. Tôi chỉ lấy ví dụ, nếu đúng đó là các nhân viên của Đại Thanh thì nhà đầu tư cần phải xem xét lại hành vi của mình. Bởi, đó là những khách hàng, người đã bỏ tiền ra giúp họ thực hiện dự án. Có khúc mắc, nhà đầu tư cần phải họp với người dân để cùng nhau tháo gỡ. Việc lấy “luật rừng” ra để dằn mặt cư dân là điều hoàn toàn không thể chấp nhận được”.
Cũng theo vị này, việc kinh doanh trong thời gian qua gặp khó khăn, cộng với sức ép từ phía cư dân là các nguyên nhân chính dẫn đến việc chủ đầu tư có cách ứng xử thiếu khôn ngoan như vậy. Điều này cũng phần nào thể hiện sự bế tắc của các nhà kinh doanh bất động sản thời điểm hiện tại. Không còn cách giải quyết nào khác, họ đành sử dụng đến “luật rừng”. Chỉ một vụ việc như thế xảy ra, không biết đúng sai như thế nào nhưng uy tín của họ sẽ bị giảm rất nhiều.
Có thể xem xét khởi tố hành vi gây rối trật tự công cộng hoặc cố ý gây thương tích
Liên quan đến vấn đề trên, trao đổi với PV, luật sư Nguyễn Huy An (Văn phòng luật sư Huy An, đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, về mặt hình sự thì không thể xử lý pháp nhân mà chỉ có thể xử lý cá nhân. Chứng minh được việc chủ đầu tư thuê những người này đánh cư dân thì quy trách nhiệm cá nhân.
Trách nhiệm cá nhân ở đây bao gồm người đại diện pháp luật và người trực tiếp chỉ đạo. Nếu những người xô xát, uy hiếp cư dân xưng danh là nhân viên bảo vệ của công ty hoặc người làm bảo vệ thì cũng phải xem có sự chỉ đạo của lãnh đạo không hay là tự ý.
Tự người lao động của công ty hành xử như vậy thì có thể xử lý hình sự. Xem xét các yếu tố cấu thành tội phạm thì họ có thể rơi vào tội gây rối trật tự công cộng hoặc cố ý gây thương tích.
Văn Chương – Phạm Hạnh (Đời sống & pháp luật)
màn khung
Trả lờiXóa