Cục Hậu cần (Quân khu V) ký hợp đồng với công ty Đại Nam Á (trụ sở tại đường Đỗ Quang, Đà Nẵng) về việc cung cấp lắp đặt thang máy. Giám đốc Định sau khi nhận gần 250 triệu đồng đã nhiều lần trì hoãn thực hiện hợp đồng.
Tháng 8, sau 3 tháng chờ đợi, khách hàng ra “tối hậu thư” phải hoàn thành lắp đặt hoặc hoàn lại số tiền thì bất ngờ nhận được thông tin Định âm thầm bán nhà, đóng cửa công ty bỏ trốn khỏi địa phương.
|
Nghi can Phạm Văn Định |
Vụ việc được chuyển cho Cơ quan điều tra Khu vực 1 (Quân khu 5) thụ lý. Xác định Định có dấu hiệu “lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản”, nhưng bỏ trốn khỏi địa phương, ngày 11/9 cơ quan điều tra ra quyết định truy nã đặc biệt.
Cùng lúc này, Công an quận Thanh Khê liên tiếp nhận trình báo của nhiều người về việc Định không thực hiện hợp đồng. Cùng gặp nhau tại cơ quan điều tra, những nạn nhân không khỏi té ngửa khi hay tin, vị giám đốc của một công ty lớn, sang trọng, có hàng chục công nhân và đi đến đâu đều quát tháo, thúc giục công nhân lại là kẻ lừa đảo, đang bị truy nã.
Ngoài việc cứ ký bừa hợp đồng, ứng tiền trước rồi “dông thẳng”, Định có nhiều chiêu chiếm đoạt tài sản kiểu “rút ruột” có một không hai. Nạn nhân Nguyễn Trịnh Lê (quận Hải Châu) cho biết có nhu cầu lắp đặt thang máy cho khách sạn mới xây nên nhờ đến Định là người “rất có uy tín”.
Trước khi làm hợp đồng, Định còn dẫn khách đi tham quan các công trình mình từng lắp đặt. Mỗi lần như vậy, Định đều có người tháp tùng… khiến ông yên tâm, cho ứng toàn bộ tiền đầu tư, đồng thời giới thiệu thêm cho Định 3 mối “sộp” khác.
Định lắp thang máy cho ông Lê, sau đó tiếp cận và ký kết hợp đồng với những mối do ông Lê giới thiệu. Khoảng nửa tháng sau, Định cùng một nhân viên nữa đến yêu cầu ông Lê cho bảo trì thang máy, tháo sạch các phụ tùng của thang máy đem về “bảo dưỡng”. Họ hẹn chủ nhà “một tuần sau quay lại”.
Nhưng từ đó Định lặn mất tăm, khiến chiếc thang máy chỉ còn cái khung, đứng trơ một chỗ. Liên hệ số điện thoại của Định không được, ông Lê thử dò qua 3 nơi mình giới thiệu và mới biết 2 nơi Định lấy tiền rồi chưa thực hiện, một nơi chỉ có vỏ thang máy, còn ruột cũng được Định rút mang đi “bảo trì” như công ty mình.
Theo Công an quận Thanh Khê, Định mở công ty từ đầu tháng 3/2009. Từ những năm 2009 đến đầu năm 2012, Định thực sự “làm mưa làm gió” về thị trường thang máy ở Đà Nẵng và các tỉnh lân cận.
Không chỉ các công trình tư nhân lớn nhỏ, nhiều đơn vị nhà nước cũng đều yên tâm tìm đến và gửi gắm vào Định. “Ăn nên làm ra”, từ phận ở rể trong căn nhà cấp 4 trên một con hẻm nhỏ, Định xây nhà mặt tiền to tướng ở quận Hải Châu...
Nhưng trong lúc thời thế đang thịnh, thu lợi nhiều cũng là lúc Định sa vào ăn chơi, cờ bạc, cá độ. Khoảng đầu năm 2012, Định lâm vào nợ nần nhưng vẫn không từ bỏ ăn chơi, tiêu xài hoang phí. Định đã lừa đảo để chiếm đoạt tài sản của khách hàng với số tiền hàng chục tỷ đồng.
Sau khi cơ quan điều tra khu vực 1 ra quyết định truy nã đặc biệt với Định, xét thấy hành vi của nghi can không dừng lại chỉ một trường hợp, ngày 23/9 Phòng Cảnh sát truy nã (PC52) Công an Đà Nẵng đã xác lập chuyên án truy xét.
Lúc tiếp nhận hồ sơ, thông tin về Định quá mù mờ. Ở nơi đăng ký thường trú, gia đình Định đã bán nhà, rồi dọn đi đâu không rõ, công ty đóng cửa… các trinh sát PC52 phải nhờ đồng nghiệp ở Bình Định gửi hình ảnh từ chứng minh thư để có thể nhận dạng, đối chiếu.
Tiếp tục thu thập tư liệu, các trinh sát xác định, khoảng giữa năm 2013, vợ và con gái của Định liên tục bị nhiều giang hồ tìm đến đòi nợ, uy hiếp khiến phải bán nhà, sau đó di chuyển lên quận Liên Chiểu mua căn nhà nhỏ.
Xác minh ở hơn 100 tổ thuộc các phường của quận Liên Chiểu, các trinh sát vẫn chưa lần ra được manh mối nào. Điều tra sau này cho thấy, đây là một thủ đoạn của Định nhằm đánh lạc hướng điều tra của công an.
Nhờ đến các trinh sát địa bàn, cuối cùng cũng xác định được vợ của Định đang làm công nhân trong Khu công nghiệp Hòa Khánh và khả năng gia đình đã chuyển ra thuê trọ, sinh sống quanh khu vực trên.
Tiếp tục mất nhiều ngày, các trinh sát mới mới nhận dạng được vợ Định trong số 4.000 công nhân nữ ra vào công ty mỗi ngày và đều đeo khẩu trang. Khi biết được vợ chồng Định đang ẩn náu trong khu trọ trong con hẻm nhỏ ngoằn ngoèo ở khu vực phường Hòa Khánh Bắc, thậm chí nhiều lần nhìn thấy Định, nhưng do địa bàn không thuận lợi cho việc bắt giữ, các trinh sát mai phục đợi thời cơ thuận lợi khác.
Một ngày cuối tháng 10, trinh sát quyết định tiếp cận. Nơi con hẻm nhỏ, Định rời căn trọ ọp ẹp trên chiếc xe đạp, đeo khẩu trang ra đầu ngõ mua thuốc lá. Xe vừa dừng lại, lập tức 5 trinh sát có mặt, cất giọng: “Phan Văn Định, anh đã bị bắt”, bập chiếc còng sáng bóng vào tay.
Tại cơ quan công an, Định khai vốn xuất thân cơ cực, nghèo khó ở Bình Định, nhưng không đầu hàng số phận. Một mình rời quê tự kiếm tiền đi học, tự thân mưu sinh, lập nghiệp ở đất Đà thành.
Cảm mến Định, gia đình vợ Định sau này đã gả con gái cho, giúp sức để mở công ty. Làm ăn phát đạt, Định sa ngã bởi những cám dỗ tệ nạn.
Cũng theo lời Định, anh ta không sợ cơ quan điều tra lần ra mình bằng việc sợ bọn giang hồ. “Nếu chẳng may để chúng lần ra nơi ở, với số nợ không trả được, tôi có thể bị đánh đến mất mạng”, Định nói.
Hiện Định bị bàn giao Cơ quan Điều tra hình sự khu vực 1 (Quân khu 5) để tiếp tục làm rõ về hành vi “lạm dụng chiếm đoạt tài sản”.
Theo Pháp luật Việt Nam
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét