|
Trước ý kiến của sinh viên, ban giám hiệu Trường ÐH Mỹ thuật TP.HCM tổ chức buổi đối thoại với sinh viên vào ngày 6-11 về những quy định mới của nhà trường để lắng nghe và đưa ra hướng giải quyết. |
Tại đây, nhiều sinh viên đã thẳng thắn bày tỏ thái độ không đồng tình với nhà trường về cách quản lý cơ sở vật chất, việc thực hiện tiết kiệm điện và cách làm việc của các phòng ban trong trường.
Chỉ mở điện trong giờ hành chính
Theo nhiều sinh viên, từ đầu năm học này nhà trường đã đưa ra một loạt quy định trong tổ chức đào tạo, nội quy mới gây xáo trộn việc học của sinh viên.
Ðỉnh điểm của sự việc là vào ngày 17-9, phòng quản trị nhà trường ra thông báo việc sử dụng điện tại các lớp học: buổi sáng điện mở từ 7g30-11g30, buổi chiều từ 13g-17g và giờ sử dụng thang máy buổi sáng từ 7g-8g, buổi trưa từ 11g30-13g30 và buổi chiều từ 16g30-17g30.
Việc nhà trường chỉ mở điện trong giờ hành chính khiến sinh viên không thể tự học và làm bài tập nhóm ở trường.
“Ðối với ngành đồ họa, thời gian học tập dường như phải phụ thuộc vào trường lớp vì toàn bộ máy móc, thiết bị in và hóa chất chỉ ở trường mới có. Nay nhà trường quy định 17g đóng cửa thì rất khó cho sinh viên” - một nhóm sinh viên đồ họa bức xúc.
Theo nhóm sinh viên năm cuối, đặc thù của ngành mỹ thuật (sơn mài, đồ họa, sơn dầu...) sinh viên thường xuyên tiếp xúc với hóa chất độc hại như sơn cánh gián, axit, xút ăn mòn, hóa chất tẩy rửa, dầu thông, dầu lanh... nên cần có quạt để lưu thông không khí vì trong lớp không có cửa sổ. Việc cúp điện và đóng cửa lớp vào buổi trưa sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe sinh viên.
Cũng theo các sinh viên khoa đồ họa, khoa chỉ có một phòng in ở tầng trệt trong khi sinh viên học ở tầng 5. Bản in gỗ kích thước khá lớn, đối với in đá có khối đá nặng hơn 20kg nhưng không phải in một lần là xong mà phải in nhiều lần.
Do đó để di chuyển những vật dụng này phải cần sử dụng thang máy. Nay trường chỉ cho sử dụng thang máy một thời gian nhất định khiến sinh viên rất vất vả.
“Nhà trường đưa ra quy định việc điểm danh rất vô lý. Lịch học của chúng tôi kín từ sáng thứ hai đến chiều thứ bảy, trong khi giảng viên chỉ lên lớp hai buổi/tuần.
Bên cạnh đó sinh viên còn phải làm phác thảo, chuẩn bị làm luận văn tốt nghiệp. Sinh viên cần phải lên thư viện tham khảo nhưng vô thư viện thì sẽ bị điểm danh vắng mặt.
Tại sao lại bắt sinh viên có mặt tất cả các buổi trong tuần?” - một nhóm sinh viên năm cuối khoa sư phạm mỹ thuật thắc mắc.
Trong khi đó, các sinh viên năm thứ nhất lại bức xúc việc nhà trường đưa ra quy định tất cả sinh viên đều phải kiểm tra năng lực ngoại ngữ đầu vào.
Nhà trường thu học phí môn tiếng Anh 1,2 triệu đồng/sinh viên nhưng lại sắp xếp lịch học vào buổi tối và thường xuyên thay đổi lịch học mà không báo trước.
Chấn chỉnh nề nếp học tập
Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Trương Phi Ðức, hiệu trưởng nhà trường, cho biết những quy định trên nhằm chấn chỉnh nề nếp học tập của sinh viên và tiết kiệm điện theo chủ trương chung của Nhà nước.
Ðể hỗ trợ sinh viên xa nhà, phải nghỉ trưa tại trường, nhà trường sẽ mở cửa hội trường, đồng thời lắp đặt một máy nước nóng tại tầng trệt nhà học thực hành để sinh viên sử dụng. Buổi sáng, toàn bộ sinh viên trường phải học vẽ mẫu.
Trong khi nhà trường phải chi tiền mướn người mẫu cho sinh viên thực hành nhưng nhiều sinh viên nghỉ học thường xuyên, đến lớp trễ và sử dụng thang máy chưa hợp lý. Có sinh viên ở lại trường sử dụng bình đun nước nóng rồi quên không rút điện dễ gây cháy.
“Những quy định trên chỉ nhằm chấn chỉnh nề nếp học tập của sinh viên. Nếu sinh viên muốn làm thêm bài ngoài giờ học chỉ cần làm đơn có ý kiến của giảng viên, nhà trường sẽ xem xét giải quyết.
Còn nếu di chuyển vật dụng học tập, sinh viên có thể liên hệ bảo vệ mượn thẻ đi thang máy ngoài các khung giờ quy định” - ông Ðức nói.
Ðại diện nhà trường cho biết thêm việc điểm danh chỉ thực hiện đối với môn hình họa (môn có vẽ mẫu). Những môn còn lại như sáng tác, bố cục... nếu giảng viên có yêu cầu thì nhà trường mới điểm danh.
Những môn lý luận khác giảng viên tự điểm danh theo quy định, nếu sinh viên vắng quá 20% thì không được dự thi kết thúc học phần.
Cũng theo ông Ðức, việc dạy ngoại ngữ tăng cường cho sinh viên năm nhất do trung tâm ngoại ngữ của trường tổ chức và không bắt buộc sinh viên phải theo học. Sinh viên có thể chọn trung tâm bên ngoài học và nộp lại chứng chỉ cho trường.
Nhà trường sẽ tổ chức thi để kiểm tra năng lực ngoại ngữ của sinh viên khi nộp chứng chỉ. Thời gian tới, nhà trường quy định rõ nếu sinh viên có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế hoặc chứng chỉ của một số trung tâm ngoại ngữ sẽ được miễn kiểm tra ngoại ngữ đầu vào.
Nhà trường cũng thừa nhận việc truyền đạt thông tin thời gian qua chưa tốt dẫn đến những hiểu lầm của sinh viên.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét