Chung cư Đại Thanh được bàn giao nhà và đưa vào sử dụng từ cuối năm 2013, hiện có gần 4.000 hộ dân sinh sống, đa phần là các gia đình trẻ. Thế nhưng, tình trạng thiếu nước, thậm chí mất nước tới cả tháng trời là tình cảnh mà nhiều hộ dân tại chung cư Đại Thanh đang phải đối mặt.
Theo phản ánh của các hộ dân sống tại tòa nhà CT6, trong 3 tòa nhà, chỉ có tòa B có nước, tòa A, tòa C rất ít.
Tương tự, nhà CT8 cũng đang thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. May mắn ra, mỗi ngày được cấp nước 5 - 10 phút, các cư dân phải huy động xô chậu để dự trữ nước, còn không các hộ phải xách nước từ tầng 1 lên. Cảnh bà con chen nhau xách nước trong thang máy, nước tràn ra lối đi, khiến chung cư rất nhếch nhác, mất vệ sinh đã trở thành chuyện thường ngày.
| | |
| Các cư dân tại chung cư Đại Thanh phải huy động cả xô chậu để dự trữ nước | |
Một chủ căn hộ tại tầng 15 nhà CT8B cho hay, thời gian này, anh phải xin cơ quan không cử đi công tác, vì không có anh ở nhà, vợ con không có nước mà dùng.
Lý do thiếu nước, mất nước, theo một cư dân là kỹ sư xây dựng, ngoài việc áp lực nước từ Viwaco thấp (do ảnh hưởng từ việc vỡ đường ống nước Sông Đà) khiến nước chảy yếu, thì có nguyên nhân khác. Nếu như chủ đầu tư thiết kế hệ thống đường ống nước chia đôi giữa các tòa nhà và chia dần rẽ nhánh ra các tầng, các căn hộ, nước sẽ chảy mạnh hơn. Song chủ đầu tư chỉ sử dụng một đường ống chạy từ tòa nhà này đến các tòa kia, tiết kiệm chi phí ống nhánh, khiến nước đến tòa nhà gần van tổng sẽ rất mạnh, nhưng khó hoặc không thể đến được các tòa ở xa, khiến cư dân tại đây lâm vào cảnh “tòa ăn không hết, tòa lần chẳng ra”.
Xếp hàng chờ gửi xe, thang máy
Ngoài nước sinh hoạt thiếu trầm trọng, cư dân tại đây còn phải đối mặt với sự bất tiện khi gửi xe cộ. Mỗi đơn nguyên chỉ có 1 tầng hầm, trong khi số lượng căn hộ và số dân quá lớn, gây ra cảnh chật chội khó tưởng tượng. Cứ tính sơ sơ, mỗi tầng có 28 căn hộ, mỗi hộ có 2 xe máy, nhà cao 32 tầng, số xe đã lên tới con số hàng ngàn.
Một cư dân tại đây cho hay: “Mỗi lần gửi, lấy xe, chúng tôi mất ít nhất 15 phút để dịch chuyển xe ra khỏi tầng hầm. Nếu đi đúng vào giờ cao điểm, thời gian có thể lâu hơn”. Tình cảnh chen chúc đó cũng diễn ra khi cư dân chờ thang máy. Trong khi tiện ích kém như vậy, các mức phí tại đây lại rất cao. Chẳng hạn, phí gửi xe máy 1 tháng là 85.000 đồng/xe, trong khi ở các khu chung cư khác chỉ dao động 45.000 - 60.000 đồng/xe/tháng.
Chưa hết, ngay đến ánh sáng hành lang, cư dân đóng phí sinh hoạt hàng tháng cũng bị cắt giảm. Cụ thể, Ban quản lý tòa nhà tháo bớt bóng đèn, cắt bớt đèn chiếu sáng để tiết giảm chi phí.
Trước việc cư dân tòa nhà thiếu nước sinh hoạt trầm trọng, Ban quản lý và chủ đầu tư chung cư Đại Thanh đã phải tìm giải pháp xử lý. Một mặt, chủ đầu tư ký hợp đồng tìm thêm một nguồn cung cấp nước khác ngoài Viwaco là Nhà máy nước Thanh Trì, thi công thêm một tuyến đường ống dài khoảng 1,3 km để gia tăng áp lực nước đến khu đô thị.
Trao đổi với phóng viên, đại diện Ban Quản lý chung cư Đại Thanh cho biết, ngày 31/5, việc thi công tuyến đường ống mới đã bắt đầu, dự kiến khoảng cuối tuần đầu tháng 6, tuyến đường ống sẽ hoàn thành. Trong thời gian này, cán bộ phụ trách tòa nhà phải thường xuyên trực giờ Viwaco cung cấp nước để dùng máy công suất cao bơm nước về bể chứa, sau đó chia nước đến các tòa nhà và từng căn hộ.
Liên quan đến chỗ để xe chật chội, Ban quản lý chung cư Đại Thanh đã làm thêm một nhà để xe trên sảnh trước tòa nhà CT8, với dung lượng khoảng 500 chỗ để cung cấp thêm chỗ gửi xe cho cư dân.
Về phí gửi xe, lãnh đạo Ban Quản lý chung cư Đại Thanh cho biết: “Nếu cư dân có thắc mắc, chúng tôi sẽ ghi nhận để xem xét giải quyết ngay”.
Với cái nóng lên tới 38 - 39 độ C của mùa hè Hà Nội, thật khó tưởng tượng tình cảnh khốn khổ của cư dân Đại Thanh ra sao khi họ đang thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Ngoài nguyên nhân khách quan do tác động từ việc vỡ đường ống nước Sông Đà, có lẽ chủ đầu tư Dự án chung cư Đại Thanh cần quyết liệt xử lý nhanh sự cố, nếu không mâu thuẫn giữa cư dân và Ban quản lý chung cư rất có thể sẽ bùng phát.
Đức Thọ - Đỗ Chín